Dạy trẻ mầm non bằng truyện kể, trò chơi

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ở trường học, tuỳ từng độ tuổi mà giáo viên có các trò chơi hay câu truyện giúp trẻ có được bài học về quản lý thời gian. Từ đó, trẻ biết vận dụng vào cuộc sống của mình một cách tốt nhất.

Thông qua một số câu chuyện hoặc trò chơi, trẻ sẽ hiểu được thông điệp về cách quản lý thời gian cho mình. Ảnh minh hoạ

Vận dụng trò chơi

Những câu nói: “Chờ con một chút”, “Cho con chơi thêm một tẹo nữa”, “Lát con làm”… là biểu hiện của việc không đúng giờ, trì hoãn thời gian. Vì vậy, ngay từ nhỏ, người lớn phải dạy trẻ cách quản lý thời gian thông qua các trò chơi hay câu chuyện để con dễ hiểu hơn.

Cô Kiều Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) chia sẻ, tuỳ độ tuổi của trẻ mà tổ chức các trò chơi khác nhau. Thông qua đó, sau khi chơi, trẻ phải hiểu được mục đích và bài học của trò chơi ấy. Dưới đây là trò chơi mà giáo viên thường vận dụng đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo lớn.

Trước khi cho cả lớp làm đồng hồ cát, cô hướng dẫn kỹ các bé và bắt tay vào thực hiện trước để các con cùng xem. Tuy rất hào hứng muốn được thực hành ngay nhưng cả lớp vẫn cố gắng tập trung lắng nghe và quan sát từng cử chỉ cô làm.

Khi được cô cho phép, các con dùng muỗng nhựa xúc cát đã ray mịn cho vào phễu, sau đó đổ cát vào trong ly đã được cô chuẩn bị sẵn. Với các đôi tay khéo léo, chỉ một lúc, những chiếc đồng hồ cát đã dần hiện ra trước mắt. Chứng kiến sự chuyển động kỳ diệu, các bé dần hiểu được tính chất của cát, kiến thức về đo lường, mất bao nhiêu thời gian để cát chảy từ ly này sang ly khác.

Trong lúc ngắm thành phẩm, cô giáo cũng tranh thủ nhắn nhủ cả lớp: “Chiếc đồng hồ cát tượng trưng cho thời gian, nên các con cần trân trọng mỗi phút giây trôi qua bằng cách chơi – học hết mình. Đồng thời cư xử đúng mực, lễ phép với mọi người!”.

Ngoài ra, đối với trẻ từ 5 – 7 tuổi, cha mẹ có thể mua cho trẻ một chiếc đồng hồ để trên bàn học và chỉ cho trẻ cách xem giờ. Cha mẹ có thể nhắc nhở con những mốc thời gian mà trẻ cần biết để làm xong việc này hay việc kia bằng cách chỉ vào những chiếc kim, ấn định thời gian bằng khoảng cách vị trí của các cây kim.

Cùng với đó, cha mẹ cũng có thể mua cho con một cuốn lịch riêng và giúp trẻ tự sắp xếp thời gian học tập, vui chơi, nghỉ ngơi… Giúp trẻ đánh dấu vào lịch những ngày cần làm một việc gì đó hay sẽ có sự kiện nào đó diễn ra mà trẻ mong chờ.

Rút ra bài học thông qua truyện kể

Đối với trẻ mầm non, câu chuyện Thỏ và Rùa cũng phần nào ngụ ý về việc cần thiết phải quản lý thời gian cho tốt. Ngoài ra, cũng có nhiều bài học khác mà giáo viên thường vận dụng để kể cho các em. Cô giáo Nguyễn Hương Trà, giáo viên Trường Mầm non Mẹ yêu con (Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện trong bài giảng của mình về cách dạy trẻ biết quản lý, trân trọng thời gian trôi qua mỗi ngày mà có lối sống tích cực hơn.

Nhím sống cùng với bố mẹ trong một căn nhà gỗ gần cánh đồng hoa rực rỡ. Nhím rất vui vẻ, thông minh, hòa đồng, chỉ mỗi tội hay lề mề. Sáng sớm mỗi lần mẹ gọi dậy đi học, Nhím cứ nằm lăn qua lăn lại, luôn miệng năn nỉ: Cho con ngủ thêm một phút nữa thôi nha mẹ! Vì thế mà Nhím rất hay bị muộn giờ học.

Ở trường, nhím chơi thân với bạn Sóc xù. Tuy nhiên không ít lần Sóc xù giận bạn vì thói hay trì hoãn của Nhím.

Một hôm Sóc xù thông báo sẽ cùng gia đình chuyển nhà đi nơi khác. Vì vậy cô bé cũng không học trường cũ nữa. Các bạn trong lớp đều buồn, nhất là Nhím. Nhím bèn quyết định vẽ một bức tranh để tặng cho Sóc xù.

Ngày chia tay, bạn bè đều đến đông đủ và đúng giờ, ngoại trừ Nhím. Khi Nhím đến thì Sóc xù đã theo ba mẹ lên xe đi mất, Nhím không còn kịp gửi món quà cho bạn.

Nhím buồn quá khóc sưng cả mắt. Bố mẹ hỏi Nhím có chuyện gì, Nhím bèn kể rõ sự tình. Bố xoa đầu Nhím nói: “Thời gian quý lắm con ạ. Dù chỉ là một phút con cũng phải tận dụng để không lỡ mất việc gì”.

Nhím ân hận lắm, từ đó Nhím thay đổi hẳn. Làm việc gì cậu cũng nhanh nhẹn và không bao giờ lề mề, hay xin thêm một phút nữa.

Đó là câu chuyện của trẻ mầm non về việc phải biết quý trọng thời gian, không nên trì hoãn. Bên cạnh đó còn có câu chuyện dạy trẻ rằng, thời gian là thứ vô cùng quý báu vì thế chúng ta phải biết trân trọng, đừng lãng phí nó chỉ để lo lắng về những điều mà người khác đang làm.

Một hôm gia đình nhà Rùa quyết định sẽ đi picnic. Và với bản tính chậm chạp của mình, chúng đã mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại. Rồi thêm sáu tháng để dọn dẹp và bày biện các thứ.

Nhưng rồi gia đình Rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối. “Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị”, gia đình nhà Rùa đồng ý với nhau như vậy.

Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng một con rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối. Vừa nghe vậy, con rùa được chọn đã bật khóc the thé, run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, giãy nảy từ chối. Rốt cuộc, nó cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: Gia đình Rùa không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi nó quay trở lại.

Họ nhà Rùa đành phải đồng ý và con rùa nọ bắt đầu lên đường. Nhưng rồi đã ba năm trôi qua mà con rùa nọ vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm… chín năm, rồi mười bảy năm… Cuối cùng rùa bô lão không thể nhịn đói được nữa bèn cắn một miếng bánh sandwich cho đỡ đói. Đúng lúc đó, con rùa vắng mặt mười bảy năm qua đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé: Đó… đó… tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lấy muối nữa đâu…

Đoàn Tâm – Sưu tầm từ báo GD&TĐ