Hiểu độ tuổi để ‘xây’ tự trọng cho trẻ
Lượt xem:
MN10-3: Những trải nghiệm trong thời thơ ấu giúp cho việc hình thành nên lòng tự trọng.
Người lớn cần hiểu được lòng tự trọng của trẻ trong từng lứa tuổi để xây dựng, nuôi dạy phù hợp.
Nhận thức về giá trị bản thân
ThS Phạm Thị Huê, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho biết, trẻ có lòng tự trọng cân bằng sẽ có niềm tin vào bản thân. Trẻ thường tự tin trải nghiệm những điều mới mẻ và luôn nỗ lực hết mình nhưng vẫn giữ sự tôn trọng dành cho người khác.
Những trẻ thường xuyên tự ti, lo sợ thất bại và thấy mình không giỏi bằng bạn bè xung quanh dễ gặp phải những vấn đề về tâm lý, rối loạn cảm xúc.
Tuy nhiên, nếu trẻ có lòng tự tôn quá cao thì cũng sẽ không lành mạnh. Trẻ có thể trở nên kiêu ngạo, thậm chí hạ thấp, chỉ trích bạn bè để cảm thấy bản thân mình tốt hơn.
“Người lớn cần nắm bắt được từng giai đoạn tâm lý ở mỗi lứa tuổi để hình thành và nuôi dưỡng lòng tự trọng cho trẻ. Lòng tự trọng là sự nhận thức, ý thức về giá trị của bản thân. Nó không liên quan đến tài năng hoặc đặc điểm tính cách cụ thể”, cô Phạm Thị Huê nói.
Theo cô Huê, lòng tự trọng nên có ngay từ khi còn bé. Nó phát triển chậm theo thời gian hoặc hình thành khi một đứa trẻ cảm thấy an toàn, được yêu thương và được chấp nhận. Lòng tự trọng cũng có thể hình thành khi một đứa trẻ nhận được sự quan tâm tích cực và sự chăm sóc yêu thương từ người thân.
Theo đó, trẻ sơ sinh chưa ý thức được rằng chúng là những cả thể riêng biệt. Vì vậy chúng chưa thực sự có lòng tự trọng. Đối với trẻ ở độ tuổi này, người lớn cần nuôi dưỡng tâm hồn cho con bằng cách giúp chúng dần học hỏi được rằng chúng được thương yêu, được người lớn nhẹ nhàng chăm sóc.
Trẻ cũng dần hiểu chúng được quan tâm khi chúng khóc, người lớn đọc sách và nói chuyện với chúng, người lớn luôn mỉm cười với chúng… Tất cả những điều đó cho trẻ hiểu rằng chúng quan trọng như thế nào trên thế giới này.
Giai đoạn trẻ mới biết đi, quá trình lớn lên từ một đứa trẻ sơ sinh đến một đứa trẻ chập chững, trẻ vẫn chưa thực sự hiểu về bản thân chúng. Trẻ một tuổi vẫn chưa hiểu rằng tất cả các bộ phận cơ thể và trí óc đều là của mình. Mỗi khi trẻ học được một kỹ năng mới, trẻ sẽ bổ sung thêm điều đó vào bộ sưu tập về cách thức để có thể làm mọi việc và học hỏi xem chúng là ai.
Trẻ tập đi cần được tự trải nghiệm mọi thứ. Chúng cần lặp lại nhiều lần trong các bối cảnh khác nhau để có thể học cách thành công. Quá trình này giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng trong chúng.
Trẻ biết đi tìm hiểu về bản thân thông qua việc học hỏi xem chúng trông như thế nào, những việc chúng có thể làm và nơi chúng thuộc về. Trẻ rất khó để chia sẻ về điều này bởi vì chúng chỉ đang cố tìm hiểu chúng là ai và cái gì là của chúng.
Trẻ biết đi nhìn nhận bản thân mình thông qua sự nhìn nhận của bố mẹ. Nếu bố mẹ nhìn nhận trẻ như một điều vô cùng đặc biệt, đầy tình yêu thương và thường xuyên thể hiện cho trẻ thấy điều đó, thì họ đang làm tốt việc xây dựng lòng tự trọng của trẻ. Nếu trẻ thường xuyên nhận được các thông điệp rằng chúng thật đáng ghét, chúng thật phiền phức thì ngược lại, nó ngăn trở việc xây dựng lòng tự trọng của trẻ.
“Điều đó để thấy rằng, dù trẻ còn quá nhỏ, chưa ý thức về bản thân chúng thì người lớn cũng cần nuôi dưỡng, gieo những hành động tích cực, ý nghĩa với con để tạo tiền đề xây dựng lòng tự trọng cho trẻ”, cô Huê nói.
Tuy vậy, độ tuổi mẫu giáo, khi khoảng 3 tuổi, trẻ sẽ nhận thức được rằng các bộ phận trên cơ thể và tâm trí là của chúng. Lúc này trẻ có thể tách ra khỏi cha mẹ và người chăm sóc bởi vì chúng có sự cảm nhận về an toàn từ bên trong. Lòng tự trọng của trẻ lúc này phát triển theo một cách đơn giản là so sánh bản thân mình với người khác. Ví dụ, ai cao nhất, ai nhanh nhất. ai giỏi hơn, ai chiến thắng,..
Bố mẹ phải chứng tỏ bản thân mình
Ở lứa tuổi Mầm non, trẻ luôn luôn háo hức khi được tự mình làm mọi thứ. Và điều quan trọng là cha mẹ cần tạo những cơ hội để con có thể phát triển tính độc lập.
Lứa tuổi này, cha mẹ nên đi kèm với sự dạy dỗ một cách kỷ luật nhưng đầy yêu thương. Ví dụ như để con có thể tự cầm đũa thìa, tự mặc quần áo, tự chuẩn bị quần áo khi tới trường, tự ngủ một mình, tự sắp xếp sách vở đi học, tự đi xe đạp…
Đối với trẻ tiểu học, chúng phải đối mặt với khá nhiều tình huống mới lạ, nhiều bạn bè mới và nhiều quy tắc mới cần học hỏi. Lòng tự trọng của trẻ trong những năm tiểu học là cách trẻ quản lý tốt các nhiệm vụ học tập tại trường như thế nào, cách chúng chơi thể thao làm sao, cách chúng nhìn nhận và cách chúng kết bạn với những đứa trẻ khác như thế nào.
Những căng thẳng ở gia đình như bố mẹ đánh nhau, các vấn đề ở trường như gặp rắc rối với việc học, bị bắt nạt hay không có bạn bè đều có thể ảnh hưởng tới lòng tự trọng của trẻ.
Từ đó, khi trở thành trẻ vị thành niên, lòng tự trọng của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chất hoặc hóc môn. Quan trọng hơn cả là cách chúng nhìn nhận bản thân hoặc cách chúng bị tác động bởi môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa hồng cũng cho rằng, cha mẹ cần tránh đưa ra những nhận xét như: “Tại sao con không ngoan như bạn A/giỏi như bạn B?”. Bởi những lời nhận xét kiểu này chỉ làm mất đi lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ thấy tồi tệ về bản thân.
Ngay cả những so sánh tích cực, như nói rằng con giỏi nhất ở lĩnh vực nào đó, cũng có khả năng gây tổn hại cho một đứa trẻ. Vì sau đó chúng phải cố gắng sống theo hình ảnh này mà gây ra áp lực lớn.
Do vậy, một trong những cách tốt nhất để xây dựng và nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ là bố mẹ cũng phải chứng tỏ bản thân mình. Thể hiện sự tự hào về bản thân và những nỗ lực của bản thân. Đồng thời cố gắng hết sức không nói những câu như: “Mình thật ngu ngốc, tệ hại” mỗi khi mắc lỗi.
Tin từ báo GD&TĐ