Trao quyền lựa chọn để dạy con tiết kiệm

Lượt xem:

Đọc bài viết

MN10-3: Tiết kiệm tiền là một kỹ năng cần thiết mà bố mẹ nên dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Khi biết tiết kiệm tiền, con sẽ không tiêu xài hoang phí

Tùy theo từng độ tuổi mà người lớn có thể chỉ dạy, hướng dẫn hoặc cố vấn cho con về chi tiêu. Ảnh minh họa

Cắt giảm chi tiêu cùng cha mẹ

Cô Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Cha mẹ nên rủ con tham gia những hoạt động có thể giúp cắt giảm chi tiêu, ví dụ so sánh xem nên mua loại thực phẩm nào để tiết kiệm mà vẫn phù hợp, so sánh chi phí giữa một bữa ăn ở ngoài hàng và mua về nhà, nhờ con giữ hộ các hóa đơn như tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước… Và bàn với cả nhà xem nên làm những gì để giảm số tiền phải trả ở tháng sau”.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích con tận dụng những cuốn vở cũ làm giấy nháp, áo của bố làm áo choàng khi học vẽ, các hộp bìa làm thùng để đồ chơi… và tính xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu từ những hoạt động đó.

Khi cùng con đi siêu thị, có thể lên danh sách những thứ CẦN và những thứ MUỐN. Như vậy, con không chỉ hứng thú khi cùng cha mẹ tham gia lao động mà còn vui vẻ khi cảm thấy mình đã tiết kiệm được tiền nghĩa là làm được những việc to lớn.

Đối với mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ, cha mẹ sẽ có nhiều cách để dạy con, nhất là trong việc chi tiêu, sử dụng tiền. Như vậy, cũng sẽ có nhiều cách khác mà các bậc phụ huynh nghĩ ra, tuy nhiên đây là việc không đơn giản.

Cô Điệp cũng gợi ý với các bậc phụ huynh: Khi con đòi mua gì đó, bạn đừng nên nói với con là bạn nghèo, kể cả bạn có nghèo thật, mà hãy nói với con là điều đó chưa có trong danh sách chi tiêu. Muốn có chúng ta cần phải tiết kiệm và thực hiện những công việc gì. Khi con bạn lớn hơn, các phương pháp trên có thể không còn làm trẻ cảm thấy hứng thú thì hãy thay bằng các phương pháp khác như mở sổ tiết kiệm, hướng dẫn con đi làm thêm trong thời gian rảnh,….

Cô Điệp cho rằng, cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của con trong việc quyết định tiêu tiền bằng cách thảo luận với con. Cha mẹ hãy bàn bạc và lắng nghe xem tiền trong các lọ sẽ dùng vào mục đích gì, ví dụ tiền chi tiêu sẽ dùng để mua ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua đồ chơi, mua sách… “Tiền cho đi” sẽ dùng cho các hoạt động như: Ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang, mua tặng suất ăn cho các bạn mồ côi…

Hãy khuyến khích để con tăng nguồn tiền trong khả năng và được sự cho phép như vẽ tranh, làm đồ chơi để bán, cho thuê sách, cho thuê xe đạp trong khu dân cư…

Dạy con các bài học về tài chính càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa

Bài tập thực hành quản lý tài chính

Việc quản lý tiền chưa bao giờ là dễ dàng, không chỉ với các con mà còn cả người lớn. Vì vậy, dạy con cũng chính là bài tập cho cha mẹ thực hành quản lý tài chính trong gia đình. Theo cô Phan Hồ Điệp, tùy theo từng độ tuổi khác nhau mà người lớn có thể chỉ dạy, hướng dẫn hoặc cố vấn cho con. Bạn không nên cố gắng dập khuôn tất cả các phương pháp mà bạn học được lên con trẻ.

Bởi lẽ mỗi một đứa trẻ khi sinh ra đều có tố chất, và mức độ tiếp thu khác nhau. Hãy cố gắng đồng hành, lắng nghe và thấu hiểu con, từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất. Hãy nhớ rằng dạy con tiết kiệm không phải chỉ đơn thuần là dạy chúng tích lũy tài sản, tiết kiệm còn là cách chúng sử dụng những tài sản một cách hợp lý, không phung phí.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Loan, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 đã bắt đầu có những suy nghĩ và hành vi riêng. Để có thể giúp trẻ quản lý tài chính và tiết kiệm trong giai đoạn này, cha mẹ có thể áp dụng hỗ trợ trẻ đưa ra các quyết định hoặc lựa chọn cho riêng mình.

Phương pháp trao quyền lựa chọn là một phương pháp thường xuyên được áp dụng trong huấn luyện kiểm soát tài chính cho trẻ. Thay vì ép buộc con làm một việc gì đó hãy đưa ra các lựa chọn khác nhau ứng với số tiền mà con có được. Lúc này bạn bắt đầu trao quyền cho con mua một số đồ với một món tiền nhất định, và hướng dẫn chúng sử dụng tiền đúng cách.

Hãy phân tích cho con về ưu nhược điểm cũng như lợi ích của các món đồ mà con đang muốn mua. Gợi ý cho con về những món đồ mà con đang thích hơn trong tương lai để con biết được cần làm gì để có nó. Từ đó giúp con hiểu rằng nếu con chi tiêu với những món đồ hiện tại, rất có thể con sẽ không đủ khả năng để sở hữu những món đồ mà con thích trong tương lai. Với một khoản tiền và 2 món đồ con cùng thích hãy cho trẻ biết món đồ nào là thực sự phù hợp với chúng. Thay vì việc giúp chúng đưa ra quyết định, hãy giải thích để chúng hiểu và tự lựa chọn món đồ cho riêng mình.

“Quá trình hỗ trợ con ra quyết định sẽ giúp con hình thành tư duy suy nghĩ cẩn thận trước khi chi tiền mua sắm. Quá trình này cần được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục như một thói quen. Có như vậy phụ huynh mới có thể dạy trẻ tiết kiệm trong giai đoạn này”, cô Loan cho biết thêm.

(Theo tin báo giáo dục thời đại)