Dạy trẻ cách quản lý thời gian, không cần đồng hồ vẫn sắp xếp được công việc

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trẻ có khái niệm về thời gian ngay cả khi chưa biết xem đồng hồ. Cha mẹ cần dạy con kiểm soát thời gian. Nếu không, trẻ sẽ không biết đâu là việc làm nên ưu tiên trong ngày và tuần.

Kỹ năng cần thiết

Phần lớn chúng ta đều nhất trí rằng, thời gian vô cùng quý giá bởi, hầu hết mọi người đều phải nỗ lực để cân bằng giữa công việc với giải trí, gia đình với những nguyện vọng cá nhân. Liệu, chúng ta luôn có đủ thời gian để làm mọi điều mình muốn? Chúng ta luôn có đủ thời gian để làm mọi điều mình cần?

Thực tế, chìa khoá cho một cuộc sống cân bằng là học cách quản lý thời gian. Nếu giúp trẻ hình thành và duy trì được các thói quen quản lý thời gian từ khi còn nhỏ, bé sẽ có cơ hội tốt hơn. Nhờ đó, giúp trẻ có được cuộc sống cân bằng khi trưởng thành.

Quản lý thời gian là kỹ năng xuyên suốt từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Kỹ năng này góp phần vào quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân của mỗi người. Đối với trẻ nhỏ, việc quản lý thời gian được coi là vô cùng cần thiết. Bởi, giữa các hoạt động ngoại khóa, bài tập về nhà, ôn tập và nghỉ ngơi, dường như có rất nhiều việc phải làm trong những giờ ngắn ngủi mà trẻ có sau giờ học. Trong khi đó, trẻ cần phân bổ thời gian học, giải trí, nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Vì vậy, theo các chuyên gia, trong quá trình trẻ hình thành nhận thức, làm chủ được hành động và suy nghĩ, gia đình cũng như nhà trường nên để trẻ tiếp xúc và làm quen với kỹ năng quản lý thời gian.

Cụ thể, trẻ từ 3 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu được học về quản lý thời gian. Trẻ ở tuổi này cũng có thể áp dụng vào thực tế đời sống với những hoạt động đơn giản.

Đặc biệt, khi lớn lên, trẻ sẽ phải học cách trở nên độc lập hơn và tự xử lý các công việc cũng như thời gian của mình. Đối với hầu hết các bé, quản lý công việc ở trường cùng với các hoạt động sau giờ học có thể là một thách thức. Bằng cách thực hành tốt kỹ năng quản lý thời gian, trẻ sẽ có ý tưởng rõ ràng về những công việc cần sự chú ý. Trẻ cũng sẽ biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho danh sách công việc. Nhờ đó, đạt được năng suất tối ưu. Nhờ việc quản lý tốt thời gian, trẻ sẽ có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này cho phép trẻ hoàn thành nhiều nhiệm vụ hơn hoặc dành thêm thời gian cho các hoạt động khác.

Tuy nhiên, việc dạy trẻ cách quản lý thời gian không phải là việc dễ. Các chuyên gia cho rằng, cha mẹ cần có phương pháp đúng đắn để mang lại hiệu quả trong cách dạy trẻ quản lý thời gian. Ngày nay, không ít phụ huynh chú trọng tới việc dạy trẻ quản lý tài chính. Song, thực tế, quản lý thời gian cũng là kỹ năng quan trọng không kém.

Trước khi rèn luyện kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, phụ huynh Do Thái thường dạy con mình bài học đầu tư đầu tiên. Đó là đầu tư thời gian. Các phụ huynh Do Thái thường cho trẻ biết rằng, nếu muốn giàu, nhất định phải đầu tư vào thứ giá trị hơn vàng bạc, đó là thời gian.

Để dạy con quản lý thời gian hiệu quả, trước hết, phụ huynh Do Thái giúp con hiểu rõ một số kiến thức thông thường. Trước hết, thời gian là tài sản hao mòn. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần biết rằng, có việc nặng – nhẹ, việc gấp gáp và thong thả. Đặc biệt, yếu tố cuối cùng là, thời gian có tính phân loại.

Cha mẹ Do Thái chịu trách nhiệm dạy trẻ phân bổ thời gian theo tính chất của sự việc. Nhờ đó, giúp trẻ hiểu mình cần phải làm việc quan trọng trước. Đồng thời, đặt ra thời gian cố định mỗi ngày để thực hiện những công việc dài hạn.

Một số ý kiến cho rằng, để con gánh vác một số kế hoạch của gia đình chỉ làm mất thời gian của trẻ. Thậm chí, cách làm này sẽ khiến trẻ mệt vì phải quản lý thời gian. Song, truyền thống giáo dục gia đình của người Do Thái là đào tạo ra một nhân tài gắn kết với xã hội, chứ không phải là một học sinh học nghề chỉ biết đọc sách. Vì vậy, trẻ em Do Thái được biết đến là vô cùng quý trọng thời gian.

Hỗ trợ trẻ cách sắp xếp thời gian

Trẻ có thể tham gia một số trò chơi để học cách quản lý thời gian. Ảnh minh hoạ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh – Chủ tịch Học viện Minh Trí Thành chia sẻ, không ít phụ huynh có thói quen giục con nhanh lên, sắp hết giờ rồi. Tuy nhiên, với cách làm này, cha mẹ và trẻ đều cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, khi bị hối thúc, trẻ sẽ không bao giờ hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ học cách sắp xếp thời gian.

Khi  vào lớp 1, trẻ bắt đầu có khái niệm về thời gian. Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh lấy ví dụ, trẻ có thể hay đặt những câu hỏi như: “Bố ơi, bây giờ là mấy giờ? Con được chơi khi kim dài chỉ đến số mấy?”. Khi đó, bố có thể trả lời rằng, con được chơi đến khi kim dài chỉ đến số 1. Khi đó, trẻ sẽ hình dung ra rằng, mình sẽ được chơi đến số 1.

“Khi đó, trẻ bắt đầu có khái niệm về thời gian bằng việc quan sát. Trẻ có khái niệm về thời gian ngay cả khi chưa biết xem đồng hồ. Cha mẹ cần dạy con kiểm soát thời gian. Nếu không, trẻ sẽ không biết đâu là việc làm nên ưu tiên trong ngày và tuần. Con sẽ bị ngụp lặn trong đống công việc, không thể kiểm soát được”, bà Lanh chia sẻ.

Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể dạy con quan sát kim ngắn, kim dài của đồng hồ. Ví dụ, khi con tắm và đang muốn nghịch nước, nếu cha mẹ yêu cầu đi ra ngay, trẻ sẽ khó chịu. Thay vào đó, phụ huynh có thể hỏi: “Con thích ra bây giờ hay 5 phút nữa?”. Khi đó, trẻ sẽ trả lời là 5 phút nữa. Trẻ cũng sẽ hỏi rằng, 5 phút nữa, kim dài chỉ đến số mấy? Với lứa tuổi này, trẻ chưa thể hiểu 5, 10 phút hay nửa tiếng là bao lâu. Bởi vậy, trẻ thường hỏi kim dài chỉ đến số mấy để dễ hình dung.

“Ngay khi trẻ chưa biết xem đồng hồ, cha mẹ cần dạy con cách quản trị thời gian. Nếu không quản trị thời gian của chính mình, chúng ta sẽ bị thời gian nuốt chửng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh.

Giáo viên Nghiêm Thị Thúy – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara cho biết, quản lý thời gian có nghĩa là kiểm soát tốt hơn cách trẻ sử dụng thời gian. Đồng thời, đưa ra những quyết định sáng suốt về cách trẻ sử dụng thời gian của mình.

Để quản lý hiệu quả, nữ giáo viên gợi ý, khi làm việc, trẻ không nên thực hiện nhiều việc cùng lúc; Đồng thời, cần lên kế hoạch công việc, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Trẻ cũng có thể lập thời gian biểu.

Chia sẻ về tác dụng của việc quản lý thời gian, chuyên gia cho biết: “Biết quản lý sẽ giúp các con có thời gian hợp lí cho những hoạt động yêu thích. Bên cạnh đó, tạo được quỹ thời gian dành cho gia đình, bạn bè”.

Học quản lý thời gian qua trò chơi

Giáo viên Nghiêm Thị Thuý gợi ý, phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia một số trò chơi để hiểu cách quản lý thời gian. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng trẻ lên thời gian biểu. Ví dụ, buổi sáng (6 giờ 30 phút thức dậy, chạy ra sân tập thể dục, 6 giờ 45 phút đánh răng…), cũng như hoạt động vào buổi trưa, chiều và tối. Sau khi lên thời gian biểu, cha mẹ và trẻ cần thực hiện đúng theo lịch đã đề ra.

Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng có thể tham gia trò “dọn đồ chơi”. Với trò chơi này, cha mẹ sẽ bấm đồng hồ với một thời gian nhất định (2 – 3 phút tùy vào đồ chơi của trẻ). Sau đó, trẻ sẽ cùng cha mẹ thi đấu để xem trong 2 – 3 phút, ai sẽ dọn được nhiều đồ chơi hơn. Trò chơi này giúp trẻ hiểu hơn về thời gian. Bởi, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh nếu trẻ không có kế hoạch quản trị hợp lý.

Trẻ cũng có thể tham gia cuộc thi “thời gian biểu gia đình”. Giáo viên Nghiêm Thị Thuý cho biết, giờ ăn cơm, xem tivi, giờ làm việc riêng hay lúc đi ngủ… tất cả đều phải được thống nhất giữa các thành viên. Cách làm này sẽ đưa trẻ vào khuôn khổ và nếp sinh hoạt có giờ giấc ổn định.

Cô Nghiêm Thị Thuý nhấn mạnh: Gia đình cùng con lập thời gian biểu. Cha mẹ và con cùng thi ai là người thực hiện tốt nhất, có sự khen thưởng và phạt. Khi trẻ thực hiện đúng, gia đình nên khen và khuyến khích con. Bước đầu, bé sẽ chưa thực hiện chính xác, cha mẹ nên kiên trì và luôn khích lệ con. Thói quen này không những tốt cho sức khỏe, mà còn theo bé đến khi trưởng thành, hỗ trợ rất nhiều cho công việc cũng như cuộc sống sau này.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp trẻ lập thời gian biểu riêng. Cha mẹ cần mua cho trẻ một cuốn lịch, hoặc quyển sổ riêng. Nhờ đó, để trẻ tự sắp xếp thời gian, như việc học tập, vui chơi.

“Cha mẹ nên hỗ trợ con trong việc đưa ra một thời gian biểu cân đối và hợp lý. Bên cạnh đó, việc giám sát và nhắc nhở bé cũng là điều cần thiết. Hãy để con được tự đưa ra ý kiến của bản thân và có sự khuyến khích của gia đình”

Đoàn Tâm – Sưu tầm từ báo GD&TĐ