Quan tâm cảm xúc của người khác
Lượt xem:
Không ít cha mẹ than phiền và lo lắng vì con có tính ích kỷ. Đây được coi là gốc rễ của mọi tính xấu.
Bởi vậy, một trong những khía cạnh của chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) mà các bậc cha mẹ đều muốn bồi dưỡng cho con chính là triệt tiêu tính ích kỷ.
Bồi dưỡng EQ từ tuổi sơ sinh
Đánh giá cao chỉ số thông minh cảm xúc, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh (Công ty Tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology) nêu quan điểm: Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết và gọi đúng tên cảm xúc trong các tình huống, ngữ cảnh phù hợp. Những người có trí tuệ cảm xúc biết cách thể hiện tình cảm của mình phù hợp với hoàn cảnh và điều chỉnh cảm xúc phù hợp với ngữ cảnh cụ thể. Chính vì vậy, trí tuệ cảm xúc biểu hiện ở tính thích nghi, linh hoạt cao.
Thực tế cho thấy, người có chỉ số EQ cao thường có khả năng đồng cảm tốt trong giao tiếp bởi họ hiểu cảm xúc của mình và cảm xúc của người khác. Một tính chất quan trọng nữa của EQ là khả năng tập trung tình cảm vào những mục đích giao tiếp cụ thể. Tình cảm và sự đồng cảm trợ giúp người có trí tuệ cảm xúc nhưng không có nghĩa là khiến bỏ qua lý trí. Người có trí tuệ cảm xúc biết giữ sự cân bằng giữa tình cảm và lý trí.
Chuyên gia Mạnh Linh cho rằng: Với trẻ em, việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc nên bắt đầu từ sớm, càng sớm càng tốt. Bất kì đứa trẻ nào sinh ra chỉ cần có bộ não bình thường đã cần đến các giá trị như: Được an toàn, được hiểu, được yêu thương, được tôn trọng, được có giá trị. Bởi vậy, ngay từ khi chào đời, trẻ em đã gắn bó mãnh liệt với các cảm xúc. Có thể nói, trẻ em giao hòa với thế giới bên ngoài đầu tiên qua cảm xúc. Và trí tuệ cảm xúc ở trẻ lớn dần lên thông qua trải nghiệm, giáo dục, học tập, giao tiếp.
Thuyết gắn bó của Jonh Bowlby chỉ ra rằng, đứa trẻ trong giai đoạn nhỏ tuổi – tính từ tuổi sơ sinh nếu có quan hệ gắn bó tốt với người chăm nuôi, đặc biệt là người mẹ sẽ có những cảm xúc an toàn, yêu thương, vui vẻ… được biểu hiện ở việc đứa trẻ hay cười, giao tiếp kết nối từ ánh mắt tới hóng chuyện rất tốt. Ngược lại, những đứa trẻ có quan hệ gắn bó với người mẹ lỏng lẻo sẽ làm cho trẻ trở nên bất an, lo sợ, dễ cáu giận, biểu hiện ở việc hay khóc, khó ở, khó tính.
Dạy trẻ biết quan tâm người khác
Mọi kỹ năng trẻ có được đều hình thành từ người thầy đầu tiên là cha mẹ và môi trường giáo dục gia đình. Với việc rèn chỉ số EQ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bồi dưỡng cho con thông qua những việc nhỏ hàng ngày.
Ví dụ, trong những gia đình xưa, khi có ai đó về muộn giờ cơm, người nhà bao giờ cũng lo phần cơm cho người đó trước khi ăn. Phần cơm này luôn được chia nhiều hơn, cất riêng cẩn thận ở bát sạch rồi cả nhà mới ăn.
Ngày nay, có không ít gia đình coi nhẹ việc này. Phần họ nghĩ, “thiếu đồ thì lấy trong tủ lạnh ra nấu hoặc đi mua, để phần làm gì, phức tạp”, có khi lại xuề xòa, ăn xong, phần thừa để lại trên đĩa cho đỡ phải rửa nhiều.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương – Trung tâm Kỹ năng sống Cá Siêu Quậy: Những hình ảnh này sẽ in đậm trong suy nghĩ của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ dần bỏ qua việc quan tâm đến quyền lợi người khác mà chỉ tập trung quyền lợi của bản thân. Khi đó, trẻ cũng sẽ không quan tâm đến cảm xúc của người khác nữa.
Một trong những nhược điểm của các bậc cha mẹ là thường hành động theo cảm xúc. Đơn cử việc, luôn ưu ái phần ngon, phần nhiều cho con và coi đó là sự hi sinh, chắc con sẽ biết. Thực tế, các chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ sẽ không hiểu là bố mẹ đang hi sinh vì mình mà lại nghĩ: Bố mẹ không cần phải ăn uống, hưởng mọi thứ, chỉ có mình cần thôi. Đây là tiền đề của thói ích kỷ, ít quan tâm đến người khác.
TS Vũ Thu Hương cho rằng: Dạy trẻ biết quan tâm người khác, đừng đợi trẻ lớn lên tự biết. Đơn cử như việc trẻ vô tư đi qua trước mặt người khác mà không được bố mẹ nhắc nhở cũng sẽ để lại hậu quả về nhân cách. Trẻ sẽ không biết đó là điều không nên làm để tránh, chúng cũng sẽ coi việc làm phiền người khác là bình thường.
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, những bài học làm tăng chỉ số thông minh cảm xúc cho trẻ luôn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Hãy yêu cầu trẻ giữ trật tự khi người trong nhà nghe điện thoại hoặc đang nói chuyện với người khác. Bố mẹ cũng nên lưu ý dạy con tránh làm phiền khi ai đó đang gặp chuyện buồn. Trẻ không nhất thiết phải buồn khi ai đó trong nhà không vui nhưng các con nên giữ trật tự và tránh làm phiền họ.
Một nguyên tắc không thể bỏ qua là không sử dụng đồ đạc của người khác khi chưa hỏi mượn. Dù trong cùng gia đình nhưng đồ đạc của mỗi người vẫn là tài sản riêng của họ. Cha mẹ cần tôn trọng tài sản của con và yêu cầu con tôn trọng tài sản của mình.
Đừng bắt anh chị lớn nhường em nhỏ. Hành vi này không chỉ thể hiện sự thiếu công bằng, mà còn tạo điều kiện cho tính ích kỷ và đành hanh của em bé phát triển. Đứa trẻ được nhường sẽ không bao giờ tôn trọng anh chị, hoàn toàn có thể hình thành những tính xấu như không nhận sai, phá phách, ăn vạ, gây sự, ỷ lại…
(Sưu tầm từ báo GD&TĐ)