Tôn trọng chính kiến của trẻ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Từ khi chào đời, trẻ đã có chính kiến.
Từ khi chào đời, trẻ đã có chính kiến.

Trẻ khi sinh ra đều có chính kiến và biết bản thân muốn gì. Nếu người lớn không can thiệp và cố gắng thay đổi, trẻ sẽ giữ được cá tính và chính kiến đến khi trưởng thành.

Giữ lập trường trong mọi hoàn cảnh

Một hôm, hai cha con người xay bột dắt một con lừa vào thành. Trên đường đi, họ gặp một nhóm thiếu nữ. Một cô nói: “Hai cha con nhà này thật là ngốc, có lừa mà không biết cưỡi, cứ thế mà đi bộ”. Người cha nghe thấy, liền bảo con cưỡi lên lưng lừa.

Một lát sau, họ gặp một cụ già, cụ nói: “Thanh niên bây giờ không biết kính trọng người già gì cả. Anh con trai lười biếng thì ngồi chễm chệ trên lưng lừa, còn ông bố già phải cuốc bộ. Thằng nhóc lười biếng kia, sao không xuống để cho cha cưỡi”. Thế là người cha bảo con xuống để mình ngồi lên.

Chưa đi được bao xa, họ lại gặp một nhóm phụ nữ và trẻ em. Mấy người đó liền lớn tiếng mắng: “Ông thật là một lão già vô dụng, sao ông có thể ung dung cưỡi trên lưng lừa, bắt con trẻ chạy theo thở không ra hơi thế kia?”. Người cha hiền lành liền bảo con trai cùng cưỡi lên lưng lừa.

Đi được một lát, có người nhìn thấy tò mò hỏi: “Này ông bạn, con lừa này có phải của ông không?”. Người xay bột đáp: “Đúng vậy”. Người lạ tiếp lời: “Anh xem, lừa đã mệt đến thế kia rồi. Hai người cùng khiêng nó, chắc còn nhanh hơn là cưỡi nó đấy!”. Người xay bột nói: “Vậy chúng ta sẽ nghe theo lời anh này”.

Người xay bột và con cùng xuống, lấy dây thừng buộc chân lừa lại. Sau đó, họ dùng cây gậy dài khiêng lừa đi. Lúc đi qua một cây cầu, rất nhiều người quay lại nhìn, chế giễu cả hai cha con. Hành động của hai cha con khiến con lừa giãy tung dây thừng, ngã xuống sông.

Câu chuyện muốn gửi gắm thông điệp rằng, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần giữ chính kiến, kiên trì và kiên nhẫn. Dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, ngoài việc lắng nghe góp ý từ người khác, mỗi cá nhân đều phải có lập trường vững vàng và chính kiến riêng. Nếu không có quan điểm riêng, rất có thể, chúng ta sẽ trở thành kẻ “a dua” và đi ngược lại những điều tốt đẹp mình đã tự đặt ra cho bản thân.


Cha mẹ cần xác định khi nào nên tôn trọng chính kiến của con.

Trẻ có chính kiến từ khi chào đời

Ngày nay, không ít ông bố bà mẹ tâm sự rằng, con họ là đứa trẻ “ba phải”. Đưa con đi chơi, mẹ hỏi bé muốn đi đâu. Nhiều bé thẳng thừng trả lời cho qua chuyện rằng: “Đi đâu cũng được ạ”. Đến bữa ăn, khi được hỏi muốn ăn gì, không ít trẻ ậm ừ: “Con ăn gì cũng được”. Những câu nói, hành động tưởng như vô thức, nhưng thực tế đang hình thành trong trẻ thói quen không có chính kiến.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng chú trọng vấn đề dạy trẻ có chính kiến. Đặc biệt, nhiều gia đình nghĩ rằng, con còn bé và cần được cha mẹ chăm lo, chu toàn mọi việc. Thậm chí, nhiều phụ huynh làm thay con mọi việc và không cần hỏi ý kiến trẻ. Dần dần, trẻ sẽ có suy nghĩ: “Cha mẹ muốn thế nào thì cứ làm theo thế vậy. Dù sao, ý kiến của mình cũng không ai nghe”.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ em từ 3 – 6 tuổi hoàn toàn có thể tư duy độc lập. Đây cũng là giai đoạn quan trọng hình thành tính cách trẻ. Nếu trong khoảng thời gian này, cha mẹ tiếp tục thay con sắp xếp mọi thứ, không lắng nghe ý kiến của trẻ, bé sẽ dần mất đi chủ kiến. Khi đó, trẻ sẽ không thể tự tư duy độc lập. Trẻ thiếu chủ kiến có khả năng sẽ kém về tính độc lập và thường hay cảm thấy tự ti về những việc mình làm.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tư vấn phụ huynh và nhà tâm lý trẻ em Vũ Ngọc Quỳnh Anh (Alicia Vu) kể, con chị là một cô bé khá “cứng đầu”. Ví dụ, bé sẽ kiên quyết không ăn nữa nếu thấy no.

– Mẹ thấy con mới ăn một ít thôi mà, hay con ăn thêm ít nữa đi?

– Con no rồi mẹ!

– Nếu không ăn cơm, thịt thì con cố gắng ăn thêm ít rau cũng được.

– Con không muốn đâu mẹ. Con no rồi!

Chị Quỳnh Anh chia sẻ về cuộc hội thoại với con gái.

Theo nữ chuyên gia này, khi chưa làm mẹ, nếu rơi vào tình huống như vậy, chị sẽ vô cùng thất vọng vì con không nghe lời. Tuy nhiên, hiện tại cảm xúc của chị là hãnh diện bởi nếu hôm nay không ăn, thì mai ăn. Song, chính kiến của bản thân thì luôn phải giữ. Điều đặc biệt là, chị Quỳnh Anh không hề dạy con có chính kiến. Thay vào đó, nữ chuyên gia này “bảo tồn” trẻ.

“Trẻ khi sinh ra đều có chính kiến và biết bản thân muốn gì. Bằng chứng là ngay từ khi sơ sinh, chúng đã biết quay đầu đi không bú nữa khi đã no. Chỉ cần người lớn đừng can thiệp và cố gắng thay đổi, chúng sẽ giữ được cá tính và chính kiến đến khi trưởng thành”, chị Quỳnh Anh cho biết.

“Sao con lại chọn cái đấy? Cái đấy không đẹp đâu. Hãy chọn cái này. Con đừng chơi cái đấy, con nên chơi búp bê giống bạn A vì con là con gái. Để đấy mẹ làm cho, con làm hay hỏng lắm…”. Chắc hẳn, không ít phụ huynh đã nói với con mình những câu như vậy.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các phụ huynh cần dừng lại nếu đang thường xuyên nói như vậy với trẻ. Thực tế, cha mẹ không nên nghĩ rằng, mình có trách nhiệm uốn nắn và thay đổi con thành một phiên bản hoàn hảo hơn. Thay vào đó, cha mẹ nên là người đồng hành, giúp đỡ và hướng dẫn trẻ.

Chuyên gia Quỳnh Anh gợi ý, cha mẹ có thể nói với trẻ những câu như: “Con thích chọn màu đấy hả? Lựa chọn của con được đấy! Con thích chơi gì thì chơi nhé. Miễn là con thấy thoải mái và vui. Con muốn tự làm hả? Vậy con tự làm đi, nếu cần mẹ giúp gì thì cứ nói nhé”…

“Hãy cho trẻ quyền lựa chọn và tôn trọng lựa chọn đó. Sự tự tin của trẻ được xây đắp hằng ngày qua việc luyện tập “thử và sai”. Nếu phụ huynh luôn sợ con “sai” mà tước đi cơ hội luyện tập của chúng, càng lớn, trẻ sẽ càng sai to hơn hoặc không biết đâu là sai, đâu là đúng. Đứa trẻ tự tin với những lựa chọn của mình là trẻ có chính kiến. Đứa trẻ dám bảo vệ chính kiến của mình trước cha mẹ mới có thể bảo vệ chính kiến và bản thân trước xã hội”, chị Quỳnh Anh nhận định.


Trẻ tự tin với những lựa chọn của mình thường là người có chính kiến.

Tôn trọng chính kiến

Theo chuyên gia này, phụ huynh cần nhớ rằng, trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo hiếm khi làm gì đó với chủ đích gây khó dễ cho cha mẹ. Tất cả những hành động của trẻ đều là một thông điệp gửi đến cha mẹ rằng, con không ổn, hoặc trẻ chưa biết cách kiểm soát và vượt qua cảm xúc hay tình huống này.

Cách cha mẹ cư xử với con trong những khủng hoảng đó chính là cách cư xử trẻ sẽ tiếp nhận và thực hành trong các tình huống tương tự sau này. Nếu cha mẹ la hét, con cũng sẽ la hét. Tuy nhiên, nếu phụ huynh bình tĩnh, con cũng sẽ học cách làm vậy.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần hiểu rằng “tôn trọng không bao giờ đồng nghĩa với bỏ mặc hay thích làm gì thì làm”. Do đó, với mỗi độ tuổi của trẻ, cách phản ứng và hướng dẫn của cha mẹ nên linh hoạt.

“Mong muốn của con có phù hợp với các nghi thức giao tiếp và cư xử trong thế giới người lớn không? Nếu không, hãy hướng dẫn và dạy con những quy tắc trong thế giới của người lớn. Ví dụ: Con có thể mặc đồ bơi ở nhà, ở bể bơi. Tuy nhiên, con không thể mặc đồ bơi đến đám cưới của ai đó vì điều ấy khiến người khác cảm thấy thiếu tôn trọng và không lịch sự. Hoặc, con có quyền giữ đồ chơi của mình, nhưng không được phép nói dối để biến đồ chơi nào đó thành của mình”, chuyên gia Quỳnh Anh gợi ý.

Cha mẹ cũng cần cân nhắc đến yếu tố liệu mong muốn của trẻ có phù hợp với không gian nơi con đang đứng không. Nếu không, phụ huynh hãy hướng dẫn và đề xuất một giải pháp thay thế. Ví dụ: Trẻ có nhu cầu chạy nhảy và ném bóng. Tuy nhiên, việc đó không phù hợp khi ở trong thư viện. Khi đó, cha mẹ cần nói với con rằng, trẻ không thể chạy nhảy và ném bóng ở thư viện. Thay vào đó, hãy cùng đến một nơi khác, hoặc con phải tuân theo quy tắc giữ trật tự của thư viện.

Phụ huynh cũng cần xem liệu mong muốn của trẻ có ảnh hưởng tới sức khoẻ, cơ thể hay lịch sinh hoạt/học tập không? Nếu có, cha mẹ cần đặt ra quy tắc để con tuân theo. Khi đó, trẻ cần lựa chọn trong khuôn khổ của nguyên tắc. Ví dụ: Con không được ăn kẹo trước giờ ăn cơm. Con có thể ăn sau khi bữa cơm đã kết thúc hoặc không ăn.

Hoặc, con phải đánh răng trước khi đi ngủ. Con có thể chọn đánh răng trước hoặc sau khi đọc truyện. Cần lưu ý, quy tắc cha mẹ đặt ra cho con phải phục vụ mục đích giúp đỡ và bảo vệ trẻ, thay vì thoả mãn kỳ vọng và mong muốn của phụ huynh. Ví dụ: Trời lạnh con phải mặc áo ấm. Miễn là mặc áo ấm, con chọn áo nào cũng được.

“Việc khó nhất khi làm cha mẹ là xác định được ranh giới khi nào nên tôn trọng chính kiến của con và khi nào nên đặt ra quy tắc. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không thể có công thức chung cho tất cả. Cha mẹ cần thấu hiểu, nhưng đồng thời, cũng phải thể hiện “cái uy” của mình với con. “Cái uy” này không phải là la hét, chửi mắng thật khắc nghiệt, mà đơn giản là làm đúng như quy tắc cha mẹ đã đặt ra”, chuyên gia Quỳnh Anh cho biết.

(Nguồn từ Báo Giáo Dục và Thời Đại)